Trình độ Lam Đai Nhất thi thăng cấp Lam Đai Nhị
1. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ nhất của Việt Võ Đạo Sinh?
Đáp: Điều tâm niệm thứ nhất nói về Hoài Bảo và Mục Đích học võ của Việt Võ Đạo Sinh, đó là đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.
2. Vì sao không mang hoài bảo lớn lao là đạt đến tuyệt độ của nghệ thuật?
Đáp: Việt Võ Đạo Sinhkhông mang hoài bảo lớn lao là đạt đến tuyệt độ của nghệ thuật vì nghệ thuật thì khôn cùng, nên Việt Võ Đạo Sinh chỉ hoài bảo những gì hợp tình, hợplý có thể thực hiện được chứ không cuồng vọng, không tưởng.
3. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ hai?
Đáp: Điều tâm niệm thứ hai nói về Nghĩa vụ của Việt Võ Đạo Sinh đối với môn phái và dân tộc, đó là trung kiên phát huy môn phái và xây dựng thế hệ dấn thân hiến ích.
4. Muốn phát huy môn phái, Việt Võ Đạo Sinh phải làm gì?
Đáp: Muốn phát huy môn phái, Việt Võ Đạo Sinh phải:
a.Dày công khổ luyện để trở thành Võ Sư, Huấn Luyện Viêntrực tiếp truyền bá võ thuật và võ đạo cho quần chúng.
b.Thực tập tinh thần võ đạo trong đời sống, nghĩa là:
- Trong gia đình là người cha từ, con hiếu, anh hiền, em thảo.
- Với bạn bè giữ thân tình, tín nghĩa.
- Với xã hội là người công dân tốt.
5. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ ba?
Đáp: Điều tâm niệm thứ ba nói về Tình Đoàn Kết trong môn phái. Muốn có đoàn kết Việt Võ Đạo Sinh phải đồng tâm nhất trí, đối với người trên phải tôn kính, đối với đồng đạo phải thành thật thương mến nhau.
6. Tại sao tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thể?
Đáp: Tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thểvì nó là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự hùng mạnh hoặc tan rã của một đoàn thể.
7. Muốn xây dựng tình đoàn kết trong môn phái, Việt Võ Đạo Sinh phải làm gì?
Đáp: Muốn xây dựng tình đoàn kết trong môn phái, Việt Võ Đạo Sinh phải loại bỏ mọi thành kiến cá nhân, tiêu trừ lòng tự ái sai lầm, mọi ý nghĩ cá nhân riêng lẽ, không thù hằn đồng môn, nếu có những thắc mắc, phải tìm cách giải quyết ngay trong tinh thần xây dựng.
8. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ tư?
Đáp: Điều tâm niệm thứ tư nói về Võ Kỷ và danh dự võ sĩ, đó là tuyệt đối tôn trọng kỷ luật môn phái và luôn nêu cao danh dự võ sĩ.
9. Kỷ luật Việt Võ Đạo là kỷ luật gì?
Đáp: Kỷ luật Việt Võ Đạo là kỷ luật tự giác, nghĩa là tự mình hiểu và tôn trọng kỷ luật, trông gương người mà thực hiện. Người trên muốn hướng dẫn người dưới điều gì thì người trên phải làm gương trước, tuy nhiên đã trông gương người trên, đã nhắc nhởrồi mà người dưới không tuân hành thì phải chịu hình thức kỷ luật hoặc đào thải.
10. Danh dự võ sĩ là gì?
Đáp: Danh dự võ sĩ là danh dự của một tập thể người có tư tưởng và hành động hiên ngang cao cả, bênh người yếu bị kẻ mạnh hiếp đáp. Đây là một thứ danh dự vượt trên lòng tự ái cá nhân để hòa mình vào nền võ đạo.
11. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ năm?
Đáp:Điều tâm niệm thứnăm nói về Ý Thức dụng võ của Việt Võ Đạo Sinh. Đó là luôn tôn trọng các võ phái khác; Việt Võ Đạo Sinh chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
12. Nếu võ phái khác có một phần tử hư hỏng, Việt Võ Đạo Sinh có quan niệm như thế nào khi phải cảm hóa họ?
Đáp: Khi gặp phải một phần tử hư hỏng của võ phái khác, Việt Võ Đạo sinh chỉ coi đó là một việc làm bất đắc dĩ để cảm hóa hướng thiện một cá nhân hư hỏng. Không được suy nghĩ không tốt về võ phái của họ.
13. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ sáu?
Đáp: Điều tâm niệm thứ sáu nói về Ý Hướng học tập và đời sống tinh thần của Việt Võ Đạo Sinh, đó là phải chuyên cần học tập (võ thuật, võ đạo, văn hóa, nghề nghiệp…), rèn luyện tinh thần và trau dồi đạo hạnh.
14. Muốn thực hiện chuyên cần học tập Việt Võ Đạo Sinh phải làm gì?
Đáp: Muốn thực hiện chuyên cần học tập, Việt Võ Đạo Sinh phải:
a. Học cho rộng (võ thuật, võ đạo, văn hóa,, nghề nghiệp, lý thuyết, thực hành…)
b. Hỏi cho kỹ (không hiểu thì hỏi, không tự ái chán nản)
c. Nghĩ cẩn thận (nghiền ngẫm những điều đã học và làm)
d. Làm hếtsức (thực hiện với tất cả nhiệt tình)
15. Muốn rèn luyện tinh thần,Việt Võ Đạo Sinh phải làm gì?
Đáp: Muốn rèn luyện tinh thần, Việt Võ Đạo Sinh phải:
Sống khoẻ: thân thể khoẻ mạnh, tư tưởng trong sáng.
Đức độ: luôn luôn bao dung, điều hòa khắc chế bản thân và tha nhân để cùng tiến bộ.
Cương trực: Cương quyết và thẳng thắn.
Trầm tĩnh: Điềm đạm, bình tĩnh để tránh những trường hợp xốc nổi, nóng vội.
Tháo vát: lanh lợi, quyền biến để có thể ứng phó được với mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp bất ngờ.
16. Đạo hạnh là gì? Tại sao Việt Võ Đạo Sinh phải trau dồi đạo hạnh?
Đáp: Đạo hạnh là từ gọi tắt củacụm từ “phẩm hạnh Việt Võ Đạo”. Phẩm hạnh Việt Võ Đạo là sự phối hợp khắc chế, điều hòa bao dung những tính mềm, cứng, tĩnh, động, tối, sáng… của sự vật. Việt Võ Đạo Sinh phải trau dồi đạo hạnh vì đạo hạnh là căn bản, là đầu mối cho mọi đức tính. Nó vô cùng cần thiết cho sự rèn luyện tinh thần, nó phù hợp với võ thuật và võ đạo, thích ứng được với mọi hoàn cảnh.
17. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ bảy?
Đáp: Điều tâm niệm thứ bảy nói về Tâm Nguyện sống của Việt Võ Đạo Sinh. Đó là sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng.
18. Quan niệm về đức trong sạch của Việt Võ Đạo sinh ra sao?
Đáp:Sống trong sạch của Việt Võ Đạo Sinh là giữ gìn bản thân mình cho trong sạch, nhưng không tiêu cực, bưng tai, bịt mắt trước mọi xấu xa tội lỗi của xã hội, mà trái lại phải lắng nghe, nhìn thẳng vào sự thật của đời sống để tìm hiểu, giải quyết và cải tạo nó theo hướng tốt đẹp.
19. Bạn hiểu nếp sống giản dị của Việt Võ Đạo Sinh như thế nào?
Đáp: Sống giản dị là không đua đòi, sống phù hợp với hoàn cảnh kinh tế bản thân và xã hội. Có điều kiện thì hưởng những tiện nghi tốt đẹp, không có điều kiện thì không đòi hỏi, hạch sách gây phiền toái khó chịu cho mọi người.
20. Quan niệm trung thực của Việt Võ Đạo Sinh ra sao?
Đáp: Việt Võ Đạo Sinh sống thủy chung thành thật với mọi người, nhưng Việt Võ Đạo Sinh cũng cần tìm hiểu sự gian trá của người để tránh khỏi bị người lường gạt để tự thắng mình (không nhiễm gian trá, phương hại đến đạo hạnh). Trong trường hợp cần thiết Việt Võ Đạo Sinh phải chứng tỏ cho đối phương của mình biết rằng thủ đoạn gian trá không thể thành công.
21. Thế nào là cao thượng? Thái độ bất chợt nhường nhịn tha thứ cho người có phải là cao thượng không?
Đáp:Cao thượng là vượt hẳn lên trên những cái tầm thường, nhỏ nhen về phẩm chất tinhthần, là công phu hàm dưỡng lâu dài. Thái độ bất chợt nhường nhịn tha thứ cho người chỉ là tính khí bốc đồng không định hướng chứ không phải là cao thượng.
22. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ tám?
Đáp:Điều tâm niệm thứ tám nói về Ý chí của Việt Võ Đạo Sinh. Việt Võ Đạo Sinh phải rèn luyện cho bản thân một ý chí đanh thép, bằng cách luôn luôn đương đầu với mọi thử thách gian nguy.
23. Muốn kiện toàn ý chí đanh thép, Việt Võ Đạo Sinh phải làm như thế nào?
Đáp: Muốn kiện toàn một ý chí đanh thép, Việt Võ Đạo Sinh phải:
- Nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc các sự kiện đã thu lượm trước khi quyết định.
- Thực hiện cho bằng được quyết định của mình với tất cả năng lực nhiệt tình và cương quyết khi bắt tay vào việc.
24. Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ chín?
Đáp: Điều tâm niệm thứ chín nói về nếp suy cảm, nghị lực và tính thực tế của Việt Võ Đạo Sinh, đó là phải sáng suốt khi nhận định, bền gan khi tranh đấu và tháo vát khi hành động.
25. Tại sao cần phải sáng suốt nhận định?
Đáp: Việt Võ Đạo Sinh cần sáng suốt nhận định để phân biệt phải trái, đúng sai, tình lý, bề mặt, bề trái, các khúc mắc của sự việc… ngõ hầu xử sự cho hợp thời, đúng lúc, tránh được hậu quả tai haị.
26. Thế nào là bền gan tranh đấu?
Đáp: Bền gan tranh đấu là có một ý chí và nghị lực sung mãn, thất bại không nản lòng, không chịu khuất phục trước sức mạnh, giải quyết các khó khăn một cách bền bỉ dẻo dai.
27. Thế nào là tháo vát hành động?
Đáp: Hành động tháo vát là hành động cchủ động, thông minh, sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh, hợp tình hợp lý với mọi trường hợp. Người tháo vát hành động là người yêu người, thương người, hợp tác với người, không ỷ lại dựa dẫm vào người, luôn luôn ứng phó với nghịch cảnh nhưng không gian trá, kiêu căng, khinh địch, lạc quan hoặc bi quan quá trớn.
28 Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ mười?
Đáp: Điều tâm niệm thứ mười nói về Đức Sống và tinh thần cầu tiến của Việt Võ Đạo Sinh. Đối với bản thân, Việt Võ Đạo Sinh phải tự tin, tự thắng, luôn luôn kiểm điểm để tự tiến bộ. Đối với người phải khiêm cung và độ lượng.
29. Thế nào là tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng?
Đáp: .Tự tin: tin ở năng lực, phẩm chất đạo đức và ý chí của bản thân, biết phát huy cái tốt đẹp để tiến bộ.
Tự thắng: Thắng được mình, tự sửa chữa những thói hư, tật xấu, những vị kỷ yếu đuối của bản thân.
Khiêm cung: Khiêm nhường và cungkính với người trên hay người cao tuổi hơn mình.
Độ lượng: rộng lượng với người dưới hay người nhỏ tuổi hơn mình.