Trình độ Lam Đai thi thăng cấp Lam Đai Nhất
1. Quan niệm thông thường của người tập võ ra sao? Việt Võ Đạo Sinh tập võ để làm gì?
Đáp: Quan niệm thông thường của người tập võ là tự vệ. Việt Võ Đạo Sinh tập võ cho thân thể khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng để học tập, lao động, bảo vệ sự sống, đấu tranh cho lẽ phải và phục vụ tổ quốc.
2. Quan niệm dụng võ của Việt Võ Đạo ra sao?
Đáp: Quan niệm dụng võ của Việt Võ Đạo có 4 điểm:
a.Không thượng đài.
b.Không gây lộn, không thử võ với người.
c.Để tự vệ
d.đấu tranh cho lẽ phải.
3. Việt Võ Đạo Sinh được phép dùng võ trong các trường hợp nào?
Đáp: Việt Võ Đạo Sinh chỉ dùng võ khi danh dự bị xúc phạm, quyền sống bị đe dọa và bênh vực lẽ phải.
4. Vì sao Việt Võ Đạo Sinh không được phép thượng đài?
Đáp: Việt Võ Đạo Sinh không được phép thượng đài, vì việc thượng đài chỉ là phần thể thao của võ thuật, gây cho võ sinh một tinh thần hiếu chiến, hiếu thắng. Trong khi Vovinam Việt Võ Đạo là một môn phái võ đạo có mục đích rõ rệt nên muốn góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng con người toàn diện, hơn là công việc thượng đài chỉ có tính cách thể thao.
5. Võ Sinh và Môn Sinh khác nhau thế nào?
Đáp: Võ sinh là người mới tập võ, chưa làm lễ Nhập Môn. Môn Sinh là những người đã qua một thời gian rèn luyện võ thuật (6 tháng), đã làm lễ nhập môn, đang tiến dần vào con đường võ đạo.
6. Trong đại gia đình Việt Võ Đạo, các môn đồ đối xử nhau ra sao?
Đáp: Trong đại gia đình Việt Võ Đạo, các môn đồ phải thương yêu, kính trọng, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đan kết lại thành kỷ luật môn phái, một giềng mối vững chắc giúp cho các môn đồ đoàn kết chặt chẽ nêu cao danh dự môn phái và phấn đấu tu dưỡng liên tục để trở thành con người toàn diện.
7. Việt Võ Đạo có mấy màu đai? ý nghĩa ra sao?
Đáp: Việt Võ Đạo có 4 màu đai: Xanh, Vàng, Đỏ và Trắng
a.Xanh: Tượng trưng cho màu Hy Vọng và Biển Cả, với ý nghĩa người võ sinh đang nuôi hy vọng tiến sâu vào nghành võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.
b.Vàng: Tượng trưng cho màu Vương Đạo của Á Đông, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã bắt đầu ngấm vào da thịt và tâm hồn của người môn sinh.
c.Đỏ: Tượng trưng cho màu Máu, màu của lửa sống hào hùng kiên quyết, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm vào máu huyết, đang lưu thông trong thân thể.
d.Trắng: Tượng trưng cho màu Xương, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm sâu vào xương tủy, biến căn cốt con người biểu trưng cho tinh hoa của môn phái.
8. Hãy trình bày hệ thống đẳng cấp hiện nay của Việt Võ Đạo?
Đáp: Hệ thống đẳng cấp hiện nay của Việt Võ Đạo là:
a.Tự Vệ Nhập Môn: có 2 cấp là Tự Vệ Việt Võ Đạo (đai màu xanh da trời) và Nhập Môn Việt Võ Đạo (đai xanh dương đậm), thời gian luyện tập mỗi cấp là 3 tháng. Danh xưng là võ Sinh.
b.Lam Đai: Đai xanh dương đậm có gạch vàng. Ba cấp. Mỗi cấp tập luyện 6 tháng. Danh xưng: Môn Sinh.
c.Hoàng Đai: Đai vàng có gạch đỏ. Bốn cấp. Mỗi cấp tập luyện từ 2 đến 3 năm.
d.Chuẩn Hồng Đai: Đai đỏ có 2 viền vàng. Một cấp. Thời gian luyện tập là 4 năm và trình tiể luận võ học khi thi thăng cấp.
e.Hồng Đai: Đai đỏ có gạch trắng. Sáu cấp. Mỗi cấp luyện tập 5 năm trở lên và trình luận án võ học khi thi thăng cấp.
f.Bạch Đai: Đai trắng có 3 chỉ xanh, vàng, đỏ. Một cấp. Thời gian luyện tập vô định. Đây là đai cao nhất dàng riêng cho Võ Sư Chưởng Môn.
9. Hãy giải thích ý nghĩa Phù Hiệu và Kỳ Hiệu Việt Võ Đạo?
Đáp: A.Về màu sắc: Phù Hiệu và Kỳ Hiệu Việt Võ Đạo có 4 màu:
.Xanh: Trỏ Âm tố, tượng trưng cho Hy Vọng và Biển Cả.
.Vàng: màu của vinh quang hiển hách.
.Đỏ: Trỏ Dương tố, tượng trưng cho lửa sống, sự đấu tranh hào hùng và kiên quyết.
.Trắng: Màu của thanh khiết chân tình, cao cả và thâm viễn tuyệt vời.
B.Về hình nét: Phù Hiệu, nửa trên hình vuông, nửa dưới hình tròn, ghép lại tượng trưng cho nguyên lý Cương Nhu Phối Triển của Việt Võ Đạo biểu thị cho sự toàn chân, toàn thiện.
Chung cho cả Kỳ Hiệu: Vòng tròn nhỏ xanh và đỏ ở trong biểu thị cho Âm và Dương. Vạch chữ S màu trắng ở giữa bao hàm ý nghĩa tương thôi, tương giao, tương sinh và thường dịch trong vũ trụ. Vòng tròn lớn bao quanh vòng tròn nhỏ màu trắng biểu tượng cho đạo thể với sứ vụ phối hợp, điều hòa, khắc chế, bao dung.
C. Kích thước Kỳ Hiệu:
- Nền vàng, chiều ngang bằng 3/5 chiều dài.
- Vòng Âm, Dương, Đạo bằng 1/3 chiều ngang.
10. Hãy cho biết danh tính, ngày sinh, nơi sinh, ngày qua đời, nơi qua đời của Cố Võ Sư Sáng Tổ?
Đáp: Cố Võ Sư Sáng Tổ tên là Nguyễn Lộc. Người sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (1912) Tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và qua đời ngày mùng 4 tháng 4 năm Canh Tý (1960) tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Hiện nay di cốt của Người được bảo quản tại Tổ Đường môn phái (số 31 đường Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10, TP. HCM, Việt Nam).
11. Cố Võ Sư Sáng Tổ hoàn thành việc nghiên cứu Vovinam vào năm nào? Cuộc biểu diễn Vovinam đầu tiên được tổ chức tại đâu?
Đáp: Cố Võ Sư Sáng Tổ hoàn thành việc nghiên cứu Vovinam vào năm 1938, và cuộc biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại Nhà Hát lớn Hà Nội vào mùa thu năm 1939.
12. Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được tổ chức tại đâu? năm nào?
Đáp: Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng vào đầu mùa uân năm 1940 tại trường Sư Phạm (École Normal) đường Cửa Bắc, Hà Nội.
13. Hãy cho biết danh tính của Cố Võ Sư Chưởng Môn môn phái Vovinam Việt Võ Đạo? Ông sinh năm nào? Tại đâu?
Đáp: Trước khi lâm chung, Cố Võ Sư Sáng Tổ giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái cho Võ Sư Lê Sáng.
Võ Sư Lê Sáng là Chưởng Môn môn phái Vovinam Việt Võ Đạo từ năm 1960 đến năm 2010. Ông sinh năm 1920 tại Hà Nội, mất ngày 27 tháng 9 năm 2010 (tức ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần) tại quận 10, TP. HCM, Việt Nam. Di cốt của Người hiện lưu giữ tại Tổ Đường môn phái (số 31 Sư Vạn Hạnh, Phường 3, Quận 10, TP. HCM, Việt Nam).
Dưới sự lãnh đạo của Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng trong suốt 50 năm với không ít thăng trầm, từ một môn võ thuật phục hồi hoạt động tại Sài Gòn sau 1964, Vovinam Việt Võ Đạo đã phát triển vượt bậc vàmở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trở thành một môn phái được đông đảo bạn bè khắp năm châu hâm mộ, xây dựng trên một hệ thống triết lý võ đạo mang tính nhân văn và thượng võ.
14. Hiện nay Vovinam Việt Võ Đạo phát triển như thế nào?
Đáp:Trước khi mất, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho một tập thể môn đồ được Người lựa chọn, gọi là Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn Phái (gồm 9 người) màngười đứng đầu gọi là Chánh Chưởng Quản. Hiện nay, Vovinam Việt Võ Đạo đang phát triển mạnh trong nước và được truyền bá sang nhiều nước khác trên thế giới.